Phức tap, khó xử lý nước nhiễm dầu và nguy hại cho sức khỏe

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học tổ chức phòng chống ung thư tại Việt Nam Ruy Băng Tím, ô nhiễm dầu nhớt là một loại ô nhiễm phức tạp. “Do dầu nhớt không phải là một chất mà là một hỗn hợp bao gồm hàng trăm chất khác nhau bao gồm các chất vòng thơm, các chất mạch thẳng ngắn hoặc dài,… Các chất nhẹ hơn nước thì nổi phía trên tạo thành lớp màn trên bề mặt, các chất nặng hơn nước thì chìm xuống dưới tích tụ trong trầm tích dưới đáy, có thể ảnh hưởng đến cá và sinh vật ăn đáy.

Vì thế, việc xử lý ô nhiễm dầu là một việc làm không dễ dàng, tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, dầu đã qua sử dụng trong máy móc, xe cộ còn có thể chứa các kim loại nặng như kẽm, chì và cadmium”- Tiến sĩ Vũ phân tích. Tiến sĩ Vũ cho hay các chất trong dầu nhớt có thể nhiễm vào cơ thể nhanh qua 2 đường chính là thở và ăn uống. Qua các con đường này, các chất ô nhiễm vào máu rất nhanh.

Theo đường máu, một số hợp chất trong dầu nhớt được phân bố khắp cơ thể và nhanh chóng phân hủy thành các hóa chất khác có độ độc cao hơn hoặc thấp hơn. Bên cạnh đó, có một số chất khó phân hủy hơn có thể tích lũy trong các mô trong cơ thể.

Ngoài ra, các chất trên còn có thể nhiễm qua đường da khi tiếp xúc trực tiếp nhưng chậm hơn so với hai đường thở và ăn uống phía trên. Việc đào thải các chất độc chủ yếu qua đường tiểu và thở.

Phân tích về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, Tiến sĩ Vũ cho rằng ô nhiễm các chất trong dầu nhớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm loại hợp chất hóa học có trong thành phần ô nhiễm; thời gian tiếp xúc; lượng hóa chất tiếp xúc. “Do trong dầu nhớt ô nhiễm chứa đến hàng trăm các loại chất khác nhau, các hợp chất khác nhau trong dầu nhớt ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách khác nhau.

Điển hình các hợp chất nhỏ như benzen, toluene và xylene, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người. Nếu tiếp xúc trong một thời gian dài, tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh trung ương có thể xảy ra. Nếu phơi nhiễm đủ cao có thể dẫn đến chết người”- ông Vũ nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Vũ, chất Stylene trong kết quả kiểm nghiệm nước vừa được công bố là 1 trong những chất có hại trong dầu nhớt thải. Đây là chất độc. Nếu tiếp xúc ngắn hạn có thể ảnh hưởng hệ thống thần kinh như trầm cảm, mất tập trung, yếu, mệt mỏi và buồn nôn. Tiếp xúc dài hạn có thể làm hư hỏng gan, tế bào thần kinh và gây ung thư.

Hợp chất n-hexane có trong dầu nhớt ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương theo một cách khác, gây ra một rối loạn thần kinh gọi là “bệnh thần kinh ngoại biên” (peripheral neuropathy) đặc trưng bởi tê ở bàn chân và chân, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tê liệt.

Nuốt một số sản phẩm dầu mỏ như xăng và dầu hỏa gây kích ứng da, mắt, cổ họng và dạ dày, suy nhược hệ thống thần kinh trung ương, khó thở và viêm phổi. Một số các hợp chất cũng có thể ảnh hưởng đến máu, hệ thống miễn dịch, gan, lá lách, thận, thai nhi đang phát triển.

Ngoài ra, trong đó nhiều chất đã được chứng minh có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư như Benzen đã được chứng minh là gây ung thư (bệnh bạch cầu) ở người và được cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại trong nhóm 1. Một số hợp chất khác chẳng hạn như BENZO(A)PYREN được coi là có thể và có thể gây ung thư cho người trong nhóm 2A.

“Ô nhiễm dầu nhớt trong nước là một loại ô nhiễm rất nguy hiểm và phức tạp. Nếu việc ô nhiễm này đã xảy ra ở nguồn nước dùng để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng thì cần phải nhìn nhận vấn đề thật nghiêm túc, và xử lý thật cẩn thận nếu không thì hậu quả xấu đến sức khỏe của người dân sẽ là khôn lường”- Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Nguồn: laodong.vn

Thế Lực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *